Nếu như đường nét, hình khối và phông chữ thường gợi cho người dùng những suy nghĩ riêng, thì sắc màu, bố cục và tính nhất quán của logo lại tạo cảm giác thuận mắt và kích thích cảm xúc của người tiêu dùng.
Màu sắc
Màu sắc là một trong những yếu tố thị giác ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc người tiêu dùng. Tuy nhiên, ảnh hưởng này không hẳn là giống nhau ở mỗi người vì điều đó còn tùy thuộc vào tính cách bẩm sinh và môi trường văn hóa mà người tiêu dùng trải nghiệm. Tuy nhiên, vẫn có những quy tắc chung mà mọi người đều đồng ý khi phối hợp màu sắc trong logo:
Đối với màu nóng
Những tông màu nóng cơ bản bao gồm 3 màu đỏ, cam, vàng. Mỗi tông màu này lại có những sắc thái đậm nhạt khác nhau, nhưng nhìn chung chúng đều tạo cảm giác nóng bỏng, đam mê, nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng và sự hạnh phúc, vui vẻ.
Riêng màu đỏ có thể tạo cảm giác mạnh mẽ, nguy hiểm và kích thích sự thèm ăn. Chính vì vậy, tông màu đỏ rất được ưa chuộng trong ngành thực phẩm, thức ăn nhanh. Đây cũng là tông màu bắt mắt nhất và thường được dùng để nhấn nhá cho các chi tiết quan trọng của logo.
Đối với màu lạnh
Màu lạnh bao gồm các màu như xanh lá, xanh dương và tím. Nhìn chung, các tông màu lạnh thường mang lại cảm giác mát mẻ, bình tĩnh, thư thái và cũng là màu sắc đại biểu cho thiên nhiên.
Trong đó, màu xanh dương tạo cảm giác nghiêm túc và bình tĩnh. Màu xanh da trời lại đem đến cảm giác yên bình, thư giãn và hài hòa. Màu xanh dương đậm lại biểu trưng cho năng lượng và sự mới mẻ. Chính vì vậy, màu xanh dương thường được sử dụng trong những ngành cần sự tin cậy như tài chính, ngân hàng, giáo dục….
Màu xanh lá lại mang đến sắc thái của thiên nhiên, tạo cảm giác hài hòa và tràn đầy năng lượng. Đây cũng là màu sắc đại diện cho sự thịnh vượng, ổn định và đối mới. Thế nên màu xanh lá thường được dùng trong những ngành liên quan đến môi trường, sản phẩm hữu cơ hoặc tài chính, chứng khoán.
Đối với màu trung tính
Những màu trung tính thường gặp là màu trắng, đen, màu be, kem, xám…. Trong đó, màu trắng và đen đại biểu cho sự cao cấp, cổ điển và tinh tế. Màu xám lại tạo cảm giác ấm áp và bền vững. Màu trung tính là những gam màu dễ kết hợp nhất, thường được sử dụng để làm nền cho những tông màu khác. Sự kết hợp giữa các tông trung tính và màu sắc tươi sáng vừa kích thích cảm xúc lại vừa cho thấy nét chín chắn trong logo.
Bố cục
Nếu như các yếu tố trên đây góp phần thể hiện tinh thần của thương hiệu thì bố cục của logo lại là thứ kết nối và mang lại cảm giác hài hòa, thuận mắt cho người nhìn. Bạn có thể chọn đúng màu, đúng đường khối hay nét chữ, nhưng chỉ cần bố cục không hợp lý, logo của bạn sẽ trở nên kém thu hút và rối mắt hơn hẳn. Dưới đây là một số nguyên tắc cần quan tâm khi sắp xếp bố cục ủa logo:
- Những chi tiết càng quan trọng thì càng phải có kích thước lớn và ngược lại
- Những chi tiết trung tâm nên được đặt ở bên trái, vì người tiêu dùng thường có xu hướng lướt mắt từ trái qua phải khi quan sát một logo nào đó.
- Cần cân nhắc kĩ về khoảng cách của các chi tiết. Khoảng cách nhiều hơn có thể tạo cảm giác thoải mái cho mắt người nhìn nhưng ngược lại cũng có thể khiến cho logo trở nên rời rạc nếu giãn cách quá mức.
- Cách sắp đặt chi tiết phá cách, ngẫu nhiên có thể tạo cảm giác thú vị và mới mẻ. Ngược lại, cách sắp đặt trật tự theo thứ bậc hoặc từng lớp lại đem đến hình ảnh nghiêm túc, cẩn thận và ổn định.
Tính nhất quán của logo
Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp có thể thay đổi một số chi tiết của logo để phù hợp với xu hướng của thời đại. Tuy nhiên, tất cả phiên bản logo qua các đời đều phải duy trì tính nhất quán và giá trị cốt lõi của thương hiệu. Nếu bạn thay đổi logo quá nhiều, người tiêu dùng có thể cảm thấy xa lạ. Tốt nhất, bạn nên giữ lại những chi tiết biểu tượng đặc trưng mà người tiêu dùng quen thuộc và thay đổi các yếu tố còn lại ở mức vừa phải.
Trên đây là tất cả những yếu tố mà bạn cần cân nhắc khi thiết kế logo để tạo ấn tượng phù hợp đến nhận thức của người tiêu dùng. Hãy vận dụng chúng một cách hợp lý để có được hiệu quả đúng như mong đợi nhé.